BẠN CÓ BIẾT XÃ HỘI ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO KHÔNG?
BẠN CÓ BIẾT XÃ HỘI ĐÃ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO KHÔNG?

1. Báo giấy. Thời nhỏ nhà ngập báo giấy, bố mẹ đi làm về là cầm một sấp báo trong tay, nào báo Nhân dân, Tiền Phong, An ninh, Kinh tế, Người lao động.... mỗi lần ăn cơm xong là thấy bố ngồi ngồi uống trà cầm tờ báo đọc che lút người. Báo đọc xong, lại dùng để gói ghém, gói không hết thì gọi chị ve chai đến bán hết cho gọn nhà. Tháng nào đống báo cũng cao ngất, chỉ có chị ve chai là vui nhất vì sẽ có chút tiền từ sấp báo kia. Trong những năm sau này, công nghệ 4.0 tạo điều kiện cho báo điện tử ra đời gần như thay thế báo giấy, hình ảnh sạp báo vỉa hè không còn nhiều, thỉnh thoảng đâu đó tôi vẫn thấy chú xe ôm, hay một bác ngồi vỉa hè uống trà, cafe cầm tờ báo nhưng ít lắm. Giờ mọi người chăm chăm nhìn vào chiếc điện thoại thông minh bé bằng bày tay, ngón tay thì lướt lướt. Báo giấy bây giờ vẫn sản xuất để phục vụ cho những người yêu báo giấy luôn giữ thói quen cũ, muốn gìn giữ điều đó của xã hội.

2. Thư tay. Cái thời viết thư tay phải nói rằng ai cũng văn hay chữ tốt, trân trọng từ cái bút tới tờ giấy viết tay, đến bao thư hay thậm chí cả con tem cũng phả đẹp. Tôi còn nhớ cả những năm tháng học đại học vẫn gửi thư tay đều cho con bạn thân bên Úc. Vẫn nhớ mãi nét chữ của nó, tròn trịa đẹp đẽ. Thiệp chúc Tết cũng ghi tay rất đẹp.Thư điện tử và các phần mềm chat đã thay thế. Ưu điểm là nhanh và mọi lúc mọi nơi, con người xa nửa vòng trái đất kết nối nhanh hơn, chưa kể voice chat, video call. Công nghệ mang tới tốc độ nhưng sự ngọt ngào trong câu chữ đâu đó đã biến mất. XH trở nên ngắn gọn hơn, bớt ngôn tình và chữ viết bỗng nhiên chỉ còn trong hồi ức. Tôi vẫn có vài cây bút đẹp, vài cuốn sổ xịn chỉ để giữ thói quen viết và viết.

3. Blog với những bài viết chất lượng. Tôi nhớ 10 năm trước tôi sinh hoạt diễn đàn và thường xuyên viết blog. Say viết từ hồi ấy, chắc khoảng năm 2004, cũng không vì để ai comment hay like mà chỉ viết để lưu giữ cho chính mình đọc. Đến lúc blog 360 của yahoo chết tự nhiên thói quen viết mai một dần, bài viết bớt cảm xúc đi. Facebook ra đời thay thế hoàn toàn diện mạo và cách thức chia sẻ. Mọi thứ dường như ngắn gọn hơn, lan truyền nhanh hơn, bảo mật thấp hơn. Nó đúng nghĩa cho cuộc cách mạng công nghệ xã hội. Cộng đồng mạng đôi khi chỉ like cái hình đẹp, câu nói xàm xàm chứ cũng ít đọc. Những bài viết dài có tầm một chút là không ai like, đọc hay không tôi cũng không biết. Văn hoá đọc chuyển sang một phân khúc khác: mỳ ăn liền hơn, thực tế hơn. Tôi vẫn cố gắng duy trì blog như một thói quen và dẫu sao tôi vẫn thích ngắm giao diện blog. Nó mang tính chuyên nghiệp. Bởi thế tôi sẵn sàng đầu tư thời gian và tiền bạc để thiết kế chiếc blog xinh xinh này để tôi thoả mãn đam mê viết lách của mình.

4. Gặp gỡ ngoài đời và cái gọi là ảo. Mạng XH bao gồm tất cả mọi thứ nói ở trên đang lấy dần đi tính xác thực của con người. Mọi người lười gặp nhau hơn dù ở chung thành phố. Gặp nhau rồi thì mắt trước mắt sau lôi phone ra quẹt quẹt, bấm bấm. Ra quán cafe cảnh tượng cả một gia đình cuối tuần mỗi người một chiếc điện thoại hay ipad là bình thường thời nay. Hay một nhóm bạn lâu ngày gặp gỡ, cafe chém gió tung trời cũng ít thấy hơn. Họ chỉ dăm ba câu chuyện rồi lại cắm cúi vào cái điện thoại. Tôi vẫn giữ thói quen đã gặp offline là tuyệt đối không sờ vào điện thoại trừ khi có cuộc gọi hay nhắn quan trọng tôi sẽ xin phép được trả lời. Với tôi ai cũng bận, gặp nhau rất khó vậy thì đã gặp được thì cần phải nói chuyện, chia sẻ, tiếp nhận thông tin của nhau. Con người bớt giao tiếp, mọi thứ mang lên mạng XH để đo. Một comment trên FB cũng mang ra để xét tính cách một người được. Họ có thể gán ngay người đó ra sao thì tài thật. Thời kỳ covid kéo tới càng cho thấy sự xuống cấp của giao tiếp trên mạng xã hội, hay sự kém chất lượng của thông tin. Con người thích ảo hơn thật, buồn là vậy.

5. Học online. Tôi thừa nhận công nghệ đã giúp cho việc học trở nên cực kỳ dễ dàng. Bốn phương cũng có thể ngồi học cùng với nhau được. Nhưng tôi mong đó chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hay những trở ngại địa lý. Việc tổ chức các khoá học offline mới thực sự tạo nên hiệu quả. Ngay cả những việc như tư vấn khai vấn cũng nên ngồi trước mặt nhau để làm việc. Niềm tin cùng hiệu quả giao tiếp sẽ được nhân lên rất nhiều khi chúng ta có cơ hội chạm vào nhau ở ngoài đời. Mặt chạm mặt, tay chạm tay, bốn mắt nhìn nhau đó là bản chất của giao tiếp. 

Cuối cùng, tôi trân trọng những đổi thay của xã hội đón nhận những biến đổi theo quy luật nhưng tôi vẫn hoài niệm không ngững về những cái cũ. Và bằng khả năng của mình tôi sẽ luôn giữ một phần cái cũ giá trị.

CELINA KHÁNH AN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *