MÔ HÌNH GROW TRONG KHAI VẤN
MÔ HÌNH GROW TRONG KHAI VẤN

Khai vấn là một công cụ hữu ích cho cá nhân và tổ chức. Với môi trường nước ngoài thì khai vấn đã trở nên quen thuộc và việc ứng dụng trở nên dễ dàng. Coaching là cụm từ chung để nói về hoạt động huấn luyện, và ở Việt Nam cụm từ này đang được tạm dịch là Khai vấn. Tất nhiên trong môi trường Việt Nam, khai vấn là hoạt động mới mẻ, thậm chí từ Khai vấn chưa có định nghĩa trong từ điển tiếng Việt. Tôi đứng trong đội ngũ của những Nhà khai vấn lứa mới, còn khá nhiều khó khăn khi đưa khai vấn đến với cuộc sống. Mong ước của tôi không đơn giản là để chỉ riêng tôi hành nghề này, mà tôi muốn bất cứ ai trong cuộc sống không cần phải là chuyên gia trải qua các khoá học gian nan theo chuẩn chương trình quốc tế mới có thể khai vấn được. Khai vấn nên được mang đến cho tất cả mọi người một cách dễ dàng nhất.

Từ ấp ủ ấy tôi viết bài chia sẻ về khai vấn, về những hữu ích của nó, về hiệu quả nó mang lại, và nó không hề khó để bất cứ ai cũng có thể dùng như một công cụ. Bạn chỉ cần hiểu đơn giản rằng Khai vấn là đặt câu hỏi, và hỏi thế nào cho hiệu quả thì mời bạn bạn đọc những bài viết trước đó của tôi nhé. Bạn có thể áp dụng chúng ở nhà đối với con cái, với chính mình, với người thân, với đồng nghiệp…. Nhưng nhớ là hãy áp dụng một cách tế nhị đưa những câu hỏi tới một cách dễ chịu. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ cho bạn cách làm một phiên khai vấn đời thường dễ dàng nhất. Bạn có thể áp dụng thử cho mình trước nha. Mô hình này có tên là mô hình GROW, là mô hình được áp dụng nhiều nhất cho các phiên khai vấn và chuyên gia khai vấn dù ở cấp độ nào cũng vẫn luôn sử dụng mô hình này như một chiếc chìa khoá vạn năng mở những cánh cửa của Người nhận khai vấn.

GROW là mô hình đơn giản, là viết tắt của GOAL (Mục tiêu), REALITY (Thực tế/Hiện tại), OPTIONS (Lựa chọn), và WRAP-UP (Tổng kết). Khi bạn sử dụng mô hình hãy thật khéo léo để Người nhận khai vấn (bất cứ ai mà bạn có ý định khai vấn) không cảm thấy bị áp đặt một phương pháp cứng nhắc. Nào chúng ta bắt đầu khai vấn:

  1. Chủ đề khai vấn: Bạn hãy nhớ bắt đầu phiên khai vấn với chủ đề. Thường thi các chủ đề mà người nhận khai vấn đưa ra thường khá mơ hồ do họ không thực sự hiểu mình muốn nói gì vì vậy với tư cách là một nhà khai vấn (bạn cứ tự nhận vậy đi, đừng ngại) bạn hãy giúp họ tìm manh mối, gợi ý chủ đề và từ đó tìm ra những gì họ muốn tập trung vào. Từng bước một bạn sẽ thấy bức tranh tổng thể. Bạn có thể sử dụng Bánh xe cuộc đời cho việc tìm kiếm sự quan tâm (Tôi sẽ giới thiệu trong bài viết về Bánh xe cuộc đời).
  2. Mục tiêu khai vấn (GOAL): Đây là bước quan trọng quyết định sự thành bại của một phiên khai vấn nên bạn hãy rèn luyện thật kỹ trong việc xác định Mục tiêu của Người nhận khai vấn. Mục tiêu cần đảm bảo tuân theo công thức SMART: khả thi, đo lường được, có thời hạn… những mục tiêu lớn thì chia thành mục tiêu nhỏ. Cần phân biệt chủ đề và mục tiêu nếu không bạn và người nhận khai vấn sẽ rơi vào sự mênh mông mơ hồ không có lối ra. Rất nhiều phiên khai vấn đã phải dừng lại chỉ vì Nhà khai vấn đã không xác định được mục tiêu theo đúng tiêu chí của nó. Và câu chuyện sẽ rơi vào trạng thái lòng vòng. Bạn nhớ sử dụng các câu hỏi xoáy sâu vào chủ đề để Người nhận khai vấn tự làm sáng tỏ mục tiêu của họ. Đừng nản vì không phiên khai vấn nào mà mà ngay từ câu hỏi đầu tiên đã xác định được đúng mục tiêu đâu bạn nhé.
  3. Thực tế (REALITY): phần lớn thời gian của phiên khai vấn nằm ở bước này và bạn phải chuẩn bị một bộ câu hỏi để đáp ứng cho phiên của mình. Vai trò của bạn là làm cho Người nhận khai vấn nhận thức rõ ràng về thực tế, về cái mà họ đang có/không có. Trong phần này bạn hãy dùng những câu hỏi mở để Người nhận khai vấn có thể khám phá về bản thân mình nhiều hơn. Nhờ đó Người nhận khai vấn có thể thận trọng nhìn lại những gì xảy đến trong cuộc đời mình, bóc tách từng thứ một, có cái nhìn thấu suốt, xoá bỏ định kiến của mình.
  4. Lựa chọn (OPTION): Sau khi nhìn nhận thực tế của mình lúc này bạn cần khuyến khích Người nhận khai vấn đưa ra các hướng giải quyết phù hợp. Cũng giống như bước đi vào Thực tế, trong bước này bạn cũng cần sử dụng các câu hỏi mở. Với vai trò của một Nhà khai vấn nhiệm vụ của bạn là hãy giúp Người nhận khai vấn tìm hiểu sâu hơn những suy nghĩ trong họ. Mọi thứ đều luôn có lý do mà rất nhiều lúc con người không phát hiện ra, Người nhận khai vấn không ngoại trừ. Hãy cho họ thấy bức tranh của họ với thực tế, với những lựa chọn để từ đó họ nhìn thấy cái mà họ khao khát nhất. Ở bước này Nhà khai vấn có thể xin đưa ra góc nhìn nếu như Người nhận khai vấn bế tắc trước những lựa chọn. Kết quả cần có được trong bước này là Người nhận khai vấn có được một list những lựa chọn của họ sau khi khám phá bản thân mình.
  5. Tổng kết (REALITY): Giai đoạn này Người nhận bắt đầu nhìn thấy con đường mình phải đi. Với kinh nghiệm của tôi, nếu bạn khắt khe với Người nhận khai vấn từ những bước trước thì đến bước này việc họ bước đi là hiển nhiên. Họ sẽ không còn cảm thấy khó khăn và ít bị cản trở. Họ sẽ có lựa chọn và bạn cũng cần cho họ có thời gian trình bày lý do lựa chọn. Việc họ thuyết phục chính mình sẽ giúp cho những hành động thức hiện mục tiêu của họ sẽ nhiều động lực hơn. Họ sẽ biết họ có tự tin với cam kết của mình, có thực sự chắc chắn với lựa chọn hay không. Và khi họ đến với lựa chọn cuối cùng, việc tiếp theo là giúp họ chia nhỏ lựa chọn thành những bước thực hiện với từng thời điểm được họ xác định. Một chút áp lực của bạn lúc này sẽ giúp Người nhận khai vấn có quyết tâm hơn trong hành động của họ. Hãy luôn để nghị được hỗ trợ : “Bạn cần tôi hỗ trợ gì không?” “Bạn muốn tôi hỗ trợ bằng cách nào?” Ở bước này bạn chỉ nên đưa ra những câu hỏi đóng để tránh việc Người nhận khai vấn lan man dẫn tới xa rời mục tiêu ban đầu, và bị nguội động lực. Kiểm tra xem Người nhận khai vấn đã ghi lại những việc cần làm chưa và các mốc thời gian sắp tới cần đảm bảo

Kết thúc phiên khai vấn nay bạn và Người nhận khai vấn cần cam kết hành động và thực hiện cho được mục tiêu đã đề ra. Đây thực sự là một mô hình hiệu quả trong hầu hết các phiên khai vấn mà cho dù chuyên nghiệp tới đâu các Nhà khai vấn cùng đều sử dụng mô hình này như một công cụ hoạch định rõ ràng nhất. Mô hình này cho bạn và Người nhận khai vấn một “sân chơi” mà ở đó cả hai đều có những vai trò quan trọng của mình. Việc áp dụng mô hình này sẽ giúp bạn khai vấn trong mọi tình huống với nhiều đối tượng khác nhau như bản thân mình, gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp…. Chúc bạn thành công và áp dụng được Khai vấn trong cuộc sống cũng như công việc của mình một cách hiệu quả.

Và nếu bạn còn thắc mắc gì hay muốn trải qua các phiên khai vấn mẫu trước khi tự áp dụng cho mình thì hay liên hệ tôi, để lại yêu cầu tôi sẽ hỗ trợ bạn.

CELINA KHÁNH AN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *