Điều gì cần ở một Nhà khai vấn, hơn 80% người đã từng trải qua các phiên khai vấn cho rằng đó là sự trung thực và chính trực hay nói một cách dễ hiểu đó là sự chân thành. Đây là một đức tính quan trọng mà Nhà khai vấn nào cũng phải tìm cách xây dựng để có được niềm tin trước người khác, những người một ngày nào đó sẵn sàng thổ lộ tất cả tâm tư của họ cho bạn. Khi bạn là một nhà lãnh đạo, bạn là người hiểu hơn ai hết giá trị của niềm tin. Nếu nhân viên không tin tưởng bạn họ sẽ tạo ra hàng rào ngăn cách và tạo thế phòng thủ trước bạn đến mức ngay cả một cuộc họp họ cũng không chịu đóng góp ý kiến cho bạn. Không có niềm tin bạn sẽ rất khó trở thành một người truyền cảm hứng cho họ, không tạo được cho họ động lực, không tạo được một môi trường hoà đồng. Họ có thể nghe lời bạn vì họ sợ bạn nhưng họ không phục bạn và dĩ nhiên họ sẽ không dành toàn tâm toàn sức vào công việc. Lúc nào bạn không thể nào áp dụng khai vấn,
Khi bạn là cha mẹ của những đứa con, bạn cũng không thể khai vấn chúng khi bạn không có niềm tin ở chúng. Niềm tin ở đây đó là sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ với chúng như những người bạn, tạo cơ hội cho chúng làm chủ từ lời nói tới việc làm. Khi bạn là giáo viên, bạn muốn học trò của mình tự lập, bạn muốn dùng khai vấn nhưng bạn không có niềm tin từ chúng bạn cũng không khai vấn được. Giáo viên/giảng viên trước giờ đa phần sử dụng phương pháp áp đặt từ nội quy cho đến văn hoá học tập bởi vậy học sinh/sinh viên có thể sợ nhưng chúng lại tạo khoảng cách rất xa với những người dạy chúng. Tôi đã từng học với những giảng viên mà phương pháp chỉ toàn là điểm danh, kỷ luật, cộng điểm, trừ điểm, cấm thi, tạo áp lực quá mức. Đây là phương pháp rất sai và học sinh/sinh viên sẽ tỏ ra chống đối. Hậu quả là cái họ cần nhất là kiến thức và một môi trường sư phạm đẹp đẽ không còn. Tiền đề của Khai vấn là niềm tin đã mất.
Chân thật là thước đo của niềm tin. Một cách tự nhiên chúng ta luôn tin tưởng người mà mình cảm thấy họ chân thành và trung thực. Trong Khai vấn, Nhà khai vấn luôn bộc lộ mình, sống thật với bản thân không dấu diếm. Nhà khai vấn không cần tạo một vỏ bọc tuyệt vời trước Người nhận khai vấn. Không ai là hoàn hảo cả, và khi Nhà khai vấn thừa nhận những tổn thương, sai lầm của họ thì họ sẽ có được niềm tin từ Người nhận khai vấn. Có điều sống chân thật là một thử thách đối với tất cả chúng ta. Con người sợ nhất phải thừa nhận những thứ sai lầm, những thất bại, những điểm yếu. Họ sợ bị người khác nắm bắt và lợi dụng gây bất lợi cho họ, hoặc họ sợ bị đánh giá, phán xét.
Trong thế giới này, rất dễ dàng để sống theo ý kiến của đám đông, rất dễ dàng để thưởng thức sự cô đơn khi chỉ có một mình, nhưng người vĩ đại là người giữa đám đông hỗn loạn vẫn giữ được vị ngọt ngào hoàn hảo của sự tự do trong đơn độc.
- Ralph Waldo Emerson-
Vậy trung thực, chính trực hay sự chân thật là gì? Tính chính trực của một người là họ xác định được hệ giá trị rõ ràng và kiên định duy trì các giá trị trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Dù họ ở đâu làm gì, họ vẫn là một con người duy nhất. Một con người nhất quá. Sự chính trực hình thành khi chúng ta chấp nhận mình thật sự là ai, bạn chấp nhận bản thân và luôn nhìn thẳng vào sự thật. Bạn bóc tách toàn bộ lớp vỏ sai lệch, giả dối trước mắt người khác, bạn không phải gồng mình chứng mình bản thân bằng những điều không thật và lúc ấy bạn tràn đầy năng lượng. Trên con đường hình thành sự chính trực này bạn sẽ đối mặt với nhiều cám dỗ mà bản thân phải đủ lý trí để nhận biết mình sẽ như thế nào. Có lúc bạn sẽ gặp bất lợi về tài chính, về danh tiếng, lợi ích xã hội, cảm xúc, các mối quan hệ… và bạn phải quyết định để có được sự chính trực này.
Giả sử bạn nhận được một cơ hội làm ăn và bạn phải thoả hiệp là làm trái với giá trị phẩm chất của bạn. Liệu bạn có bỏ qua cơ hội này không? Hãy bạn mở một tiệm ăn, liệu bạn có giữ chữ tín mà bạn đã cam kết từ đầu để chịu lợi nhuận thấp hơn? Tất nhiên tất cả điều này không có nghĩa là bạn phải từ bỏ hết, bạn có thể thay đổi một cách linh hoạt nhưng cái xương sống của sự chính trực bạn phải giữ cho được. Trung thực rất gần gũi với sự chính trực và là điều kiện tiên quyết tạo nên mối quan hệ khai vấn hiệu quả. Thế nhưng trong xã hội hiện đại sự trung thực đang trở thành thứ xa xỉ phẩm. Ai cũng cố gắng phải che giấu đi một điều gì đó để cảm thấy mình an toàn. Cách để giữ gìn giá trị trung thực là tự vạch ra giới hạn của bản thân. Lúc này lương tâm sẽ mách bảo bạn lúc nào nên giữ im lặng, khi nào thì nên nói dối. Thực sự có những lời nói dối làm cho sự việc tốt hơn lên thì không nhất thiết phải trung thực. Trung thực không phải là nói ra tất cả mọi thức trong lòng mà là sống thật với chính mình và chia sẻ những gì thật sự tin tưởng.
Nhà khai vấn tìm đến những giá trị này cần tự khai vấn cho mình bằng ba câu hỏi: Mình hiểu rõ về bản thân đến mức nào? Mình nhận thức về chính mình tới đâu? Ngay lúc này, mình có đang thành thật với bản thân ngay không? Nhà khai vấn bậc thầy là người luôn sẵn sàng chia sẻ lỗi lầm của họ, chấp nhận quá khứ đầy ngổn ngang. Khi khai vấn họ đưa sự minh bạch đầy cam đảm đó vào các phiên khai vấn để chinh phục lòng tin của Người nhận khai vấn. Người nhận khai vấn luôn tin tưởng một người đã và đang trung thực đón nhận con người thật của chính mình.
Như một lẽ dĩ nhiên những khó khăn, thất bại đã thúc đẩy con người trưởng thành vượt bậc. Con đường càng gập ghềnh quanh co, người đi trên đó càng trở nên khôn ngoan, sáng suốt hơn. Nhà khai vấn giống như một tấm gương để Người nhận khai vấn nhìn vào đó và sẵn sàng chịu trách nhiệm với bản thân họ.
Không có cách thuyết phục nào hiệu quả hơn sự trong sáng của một trái tim kiên định và một đời sống chân thành.
— Joseph Barber Lihhtfoot
Một Nhà khai vấn bậc thầy quan trọng và trước hết luôn tự khai vấn chính mình, luôn lựa chọn hành động theo những giá trị tốt đẹp với mục đích cao thượng nhất. Trong khai vấn luôn đề cao sức mạnh của sự lựa chọn, để suy nghĩ và hành động sáng suốt hơn, quyết liệt hơn nhờ đó chúng ta thay đổi tư duy lối mòn đã trói buộc bản thân trong một thời gian dài.
CELINA KHÁNH AN