Trong mỗi người luôn tồn tại “Tiếng nói bên trong”, thứ mà mối người luôn có một cuộc đấu tranh để chống lại nó. “Tiếng nói” ấy chế giễu rằng thành tựu ta đạt được chỉ là do may mắn, ta chẳng giỏi giang hay thông minh như ta tưởng. Bạn, trên con đường phấn đấu trở thành một Nhà khai vấn giỏi bạn sẽ phải chiến thắng “tiếng nói bên trong”, buộc nó phải im lặng, ngừng phát xét. Khi đó bạn mới có đủ tĩnh tâm để ngồi xuống khai vấn, hỗ trợ Người nhận khai vấn vượt qua vấn đề của họ. Chính bạn luôn phải là người bình tâm nhất trước mỗi phiên khai vấn. Để trở thành Nhà khai vấn xuất sắc bạn phải luôn giữ niềm tin: “TÔI ỔN”. Lòng tự tôn của Nhà khai vấn giữ cho họ vững vàng không bị vướng vào những rắc rối không cần thiết dẫn tới nghi ngờ bản thân, lo lắng hay bất an. Khi nhà khai vấn không còn hoang mang về chính mình thì họ mới có thể toàn tâm hỗ trợ Người nhận khai vấn. Lòng tự tôn chính là yếu tố không thể thiếu trong khai vấn.
Một nhà Khai vấn không có lòng tự tôn sẽ tránh đối thoại trực diện và ngại thử thách. Họ sẽ không có đủ nằng lượng và sự can đảm để tham gia vào những cuộc trò chuyện thẳng thắn bởi họ sợ bị phát hiện ra nỗi bất an trong lòng. Ngược lại những người có lòng tự tôn rất dễ gần gũi, họ không khắt khe với bản thân, và họ cũng không phán xét người khác. Một Nhà khai vấn giàu lòng tự trọng là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho Người nhận khai vấn dấn thân, đối mặt với thử thách bằng một thái độ lạc quan, tích cực.
Vậy làm sao để có được và ngày càng nâng cao lòng tự tôn của bản thân. Đó là bạn phải kiểm soát được cuộc sống của mình, cam kết sống đúng với hệ giá trị bản thân. Tôi vẫn hay nói với học viên của mình khi tham gia giảng dạy cho họ rằng: nếu ta phụ thuộc vào cái gì ta sẽ chết vì cái đó, phụ thuộc vào tiền sẽ chết vì tiền, phụ thuộc vào danh vọng sẽ chết vì danh vọng…. Bởi vậy để sống một cuộc đời của chính mình bạn phải làm chủ mọi thứ, đừng để bất cứ điều gì hay bất kỳ ai điều khiển mình. Khi bạn bị điều khiển nghĩa là lòng tự tôn của bạn đã mất. Bạn không áp đặt ai, cũng không để ai áp đặt mình. Thay vì áp đặt, bạn hãy hỗ trợ người khác như một cách tôn vinh họ, giúp đỡ họ trong chừng mực chứ không để họ lệ thuộc hoàn toàn vào bạn.
Tất nhiên người tự tôn không phải là một người hoàn hảo, họ vẫn sai lầm, vẫn gặp thất bại. Nhưng người có lòng tự tôn luôn biết chịu trách nhiệm về những thất bại những thiếu sót của mình. Họ luôn sống với con người thật của mình một cách thoải mái, thừa nhận những điều họ không biết, hoặc đã sai chứ không tô vẽ một hình ảnh “BIẾT TUỐT”. Trong cuộc sống họ ít khi hoài nghi hay lo lắng, dù rằng không dễ dàng loại bỏ nỗi bất an. Có điều họ tỉnh táo và chủ động hơn đối với mọi thứ đã và đang xảy ra. Một sự thật hiển nhiên rằng trong mỗi con người luôn tồn tại hai phần Ánh sáng và Bóng tối, và thử thách lớn nhất của mỗi người là hiểu rõ hai phần ấy. Càng hiểu mình bạn sẽ càng nhận ra không thể nào loại bỏ bất cứ khía cạnh nào trong hai phần đó. Mỗi thứ trong bạn diễn ra như một cuốn phim đầy đủ mà chỉ cần bạn cố tình cắt gọn đi một phần, cuốn phim ấy sẽ đứt mạch và trở nên phi thực tế. Một nhà khai vấn giỏi luôn luôn kiểm soát và hiểu rõ hai phần trong con người mình, luôn tin rằng bản thân có thể vượt qua bất cứ sóng gió nào theo cách riêng của mình. Đó là ý thức và sự chấp nhận điểm mạnh lẫn giới hạn của bản thân, nỗ lực hết sức để chịu trách nhiệm về chúng.
Trong khai vấn, tôn trọng mình và tôn trọng người khác là nguyên tắc bắt buộc phải tuân theo đối mỗi nhà khai vấn. Người tôn trọng mình và tôn trọng người khác luôn có phong thái tự tin, chuẩn chỉnh cả về diện mạo lẫn các khía cạnh trọng công việc. Là một nhà khai vấn bạn có thường xuyên suy nghĩ về bản thân, ghi lại những cảm xúc trong lòng? Tính cách của bạn có gì đổi thay không? Khi nào thì bạn mạnh mẽ, lúc nào thì yếu đuối? Bạn hạnh phúc hay buồn bã? Khai vấn là một con đường đầy thử thách mà ở đó bạn cần phải có nguồn sức mạnh từ sự tích cực. Bạn cần nhìn về những điểm mạnh của mình, những gì mình đã làm được thay vì cứ chăm chăm vào nhược điểm, suy nghĩ hoài về những rủi ro, mất mát, thất bại để từ đó đánh mất năng lượng. Tôi đã từng như vậy và tôi đã không còn chút sức lực nào để bắt đầu cả. Vì lẽ đó tôi đã tìm cách gỡ bỏ hết những tiêu cực, tránh xa nó để nhìn về những thứ tôi đã làm được nhiều năm qua. Tôi cảm thấy mình đáng được trân trọng biết bao vì những gì mình đã cống hiến cho cuộc đời này. Tôi chia sẻ mọi thứ, hầu như không giấu diếm kể cả những gì tôi chưa làm được.
Lòng tự tôn không giống với sự tự mãn, vì tự tôn không phải là khoe khoang, tự quảng cáo bản thân hay ảo tưởng. Một Nhà khai vấn có lòng tự tôn sẽ không cảm thấy bị đe doạ trước thành tựu của người khác, mà họ sẽ chia sẻ niềm vui với người ấy. Thành tựu của người khác sẽ truyền cảm hứng cho họ, thúc đẩy họ tiến xa hơn trên hành trình của mình. Hãy luôn rèn luyện thái độ tôn trọng và trân trọng chính mình để tiến vào mối quan hệ khai vấn một cách trọn vẹn bằng phiên bản chân thật nhất của mình bao gồm cả mặt sáng và mặt tối.
Lòng tự tôn giúp Nhà khai vấn thoát khỏi mong muốn được người khác yêu quý, ngưỡng mộ. Trong khai vấn, ánh sáng được chiếu vào Người nhận khai vấn nghĩa là họ mới chính là trung tâm. Lòng tự tôn thể hiện ở trong sự khiêm nhường, vì người khiêm nhường sẽ không thừa nhận mình tài giỏi. Nhưng đừng nhầm lẫn giữa khiêm nhường và hạ thấp bản thân vì khiêm nhường sẽ nâng ta lên bằng một cách nào đó, còn tự hạ thấp bản thân khiến chúng ta nhỏ bé đi một cách không đáng.
Tất cả những yếu tố trên để khẳng định rằng mỗi ngày trên con đường trở thành Nhà khai vấn chuyên nghiệp chúng ta cần xây dựng lòng tự tôn. Đó là một con đường dài mà chúng ta phải đi và Nhà khai vấn xuất sắc sẽ luôn đặt ra những kế hoạch thử thách bản thân phát triển bởi vì mọi nỗ lực để chinh phục khát vọng của mình sự nhận được sự tôn trọng từ người khác.
CELINA KHÁNH AN
Nguồn tham khảo: The master Coach (Gregg Thompson)