HÀNH TRÌNH NHẬT BẢN, 11/2018. NGÀY 3: ĐƯỜNG LÊN NÚI PHÚ SĨ
HÀNH TRÌNH NHẬT BẢN, 11/2018. NGÀY 3: ĐƯỜNG LÊN NÚI PHÚ SĨ

Rời làng cổ, tôi lên đường tới núi Phú Sĩ, biểu tượng của Nhật Bản. Mấy ngày sang Nhật, tôi hầu như không nhìn thấy lá đỏ nhiểu, hướng dẫn viên bên Nhật nói đó là vì chưa tới khu vực người ta trồng nhiều phong. Khoảng tháng 10 tới tháng 12 những nước có khí hậu ôn đới như Hàn Quốc, Nhật Bản lá cây thường chuyển màu đỏ tạo nên cảnh quan rất đẹp, trong đó là phong có màu đỏ tươi và đẹp nhất. Con đường lên núi Phú Sĩ người ta trồng nhiều phong, và giờ thì tôi có cơ hội được ngắm no mắt. Một bức tranh tuyệt đẹp trải dài với màu đỏ bạt ngàn dọc con đường nhỏ uốn lượn thu vào trong mắt tôi. Lá phong Nhật Bản không lớn như lá phong Canada, nó mang nét riêng đẹp đến khó tả. Khi chuyển màu cả cây đồng loạt thay đổi. Phong cảnh lên núi Phú Sĩ mang nhiều mảng màu khác nhau xen kẽ: đỏ của lá cây, bầu trời xanh ngắt, đỉnh núi tuyết trắng xoá. Chúng tôi có cơ hội được dừng chân tại con đường lá đỏ 15ph đủ để say ngắm không muốn rời và lưu lại những tấm hình đẹp.

Núi Phú Sĩ, biểu tượng của Nhật Bản

Thời tiết hôm nay thật sự lý tưởng, rất hiếm hoi trời quang mây như vậy. Khi xe tới gần trạm số 5 một bên là biển mây, một bên là đỉnh núi Phú Sĩ hiện ra chân thực hơn bao giờ hết. Núi Phú Sĩ hay còn gọi là núi Fuji là ngọn núi cao nhất Nhật Bản. Núi Phú Sĩ hiện tại được cho là hình thành trên ngọn núi Phú Sĩ cổ khoảng 10.000 năm trước. Đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ, vào mùa hè nhiệt độ cao nhất cũng chỉ từ 6-10 độ. Núi Phú Sĩ được hình thành bởi trận động đất vào năm 286TCN. Vụ phun trào đầu tiên xảy ra 600.000 năm trước, mới nhất là vào năm 1708. Núi Phú Sĩ là núi lửa tròn đỉnh, chu vi miệng rộng 3.000m, sâu 237m. Núi lửa hiện vẫn hoạt động, thi thoảng vẫn có hiện tượng phụt hơi. Thử tưởng tượng với miệng núi rộng như vậy mà khi phun trào thì sức công phá lớn thế nào? Ghê gớm đấy.

Đối với Nhật Bản, núi Phú Sĩ chính là ngọn núi thiêng tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Và việc tôi được chiêm ngưỡng núi Phú Sĩ ngày hôm nay là một điều trên cả tuyệt vời, một bức tranh phong cảnh đẹp diệu kỳ trải ra trước mắt tôi. Tôi cứ nghĩ mình nằm mơ khi trước đây chỉ có cơ hội nhìn ngắm ngọn núi hùng vĩ này qua tranh ảnh thì bây giờ nó sừng sững trước mắt. Chỉ tiếc là thời gian ở trên ngọn núi này chỉ vẻn vẹn một giờ đồng hồ mà hết phân nửa tôi phải đứng xếp hàng vào restroom. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho bản thân ở các chuyến tour sau và các bạn lần đầu tới đây là hãy dừng chân xử lý việc cá nhân tại một trạm trung gian trước khi lên trạm cuối để có thời gian cho cảnh đẹp hiếm có mà mình được ngắm. Bạn hãy nhớ một năm chỉ có 92 lần bạn được chiêm ngưỡng đỉnh núi Phú Sĩ từ trạm số 5 nên hãy tận hưởng từng phút giây khi mình có may mắn ấy. Mây thường kéo đến rất nhanh sau đó nên bạn cần lưu ý về thời gian để có những bức hình đẹp.

Cảnh đẹp hồ Kawaguchi

Đã đến lúc xuống núi trở lại đồng bằng và trước khi rời khu vực núi Phú Sĩ tôi được ghé thăm chớp nhoáng hồ Kawaguchi, một nơi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng (thoát khỏi sự nhộn nhịp của Tokyo hoặc Yokohama) thuộc tỉnh Yamanashi. Hồ Kawaguchi thuộc trung tâm của Fujigoko (Phú Sĩ Ngũ Hồ). 

Thời điểm tháng 10 đến tháng 11 là khoảng thời gian tuyệt vời ở đây bởi cảnh quan đẹp tuyệt vời, lá cây đổi màu xen kẽ. Vào những ngày trời quang mây bạn có thể thấy toàn bộ hình ảnh núi Phú Sĩ in bóng xuống mặt hồ. Tiếc là chúng tôi đã không có cơ hội ở đây lâu để chụp hình, chỉ kịp chen chúc trên chiếc du thuyền đông đúc dạo một vòng hồ rồi về. Sau này ai đến hồ Kawaguchi tốt nhất đừng đi du thuyền mà đi dạo bằng xe đạp hoặc đi bộ quanh hồ sẽ cảm nhận được đầy đủ hơn nhé. Đi du thuyền là một hạ sách, chỗ đứng còn không có huống chi chỗ để chụp hình. 

Nếu chưa đi Nhật sẽ nghĩ không muốn đi, hay nghĩ nó không có gì đặc biệt nhưng đã đi rồi là sẽ muốn trở lại, đó là điều chắc chắn. Hãy tin tôi đi.

CELINA KHÁNH AN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *