HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI SỰ CÔNG NHẬN
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI SỰ CÔNG NHẬN

Sự công nhận luôn mang lại hiệu quả cao trong cuộc sống và công việc nhưng sự thật nó đã và đang là “xa xỉ phẩm”. Sự công nhận cũng giống như một tấm huy chương, một sự vinh danh mà người ta ít phải đầu tư chi phí nhất nhưng tại sao lại ít được sử dụng. Có lẽ một phần do văn hoá sống và thói quen lâu nay. Người ta cho rằng khen hay công nhận sẽ khiến người khác ỷ lại và ngừng cố gắng còn chỉ trích, chê bai, phát hiện sai sót sẽ khiến cho người đó có động lực phấn đấu hơn. Tư duy này quả thật đã khiến rất nhiều người mất dần ngọn lửa nhiệt huyết, thay vào đó là những tiêu cực, bi quan, thiếu tự tin dần được hình thành.

Công nhận không đơn thuần là khen ngợi mà còn là sự thừa nhận thế mạnh của người khác đưa ra những phản hồi tích cực theo hướng xây dựng để họ hoàn thiện mình. Trong khai vấn, sự công nhận chính là việc Nhà khai vấn vượt qua bản năng phán xét, tập trung vào thế mạnh, phẩm chất nổi bật của Người nhận khai vấn. Nhờ sự công nhận, mối quan hệ khai vấn được bắt đầu một cách tốt đẹp vì khi Người nhận khai vấn được công nhận họ sẽ tràn đầy năng lượng, sẵn sàng dấn thân vào những cảm xúc khó chịu, vượt qua rào cản vô hình để tháo gỡ những điều còn bế tắc trong công việc và cuộc sống.

Sự công nhận mang một sức mạnh vô hình. Hai triết gia Socrates và Plato tin rằng mọi cá nhân đều sở hữu sự thông thái và tài năng nhất định để đóng góp cho nhân loại. Đến giữa thế kỷ 20 ở phương Tây, tư tưởng này trỗi dậy và người ủng hộ nó mạnh mẽ nhất là nhà tâm lý học Carl Rogers. Rogers tin rằng bầu không khí tôn trọng và tin tưởng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển năng lực con người một cách tích cực. Sự công nhận không nhất thiết là phải tập trung vào thế mạnh nào đó mà chỉ đơn giản là bản cảm ơn ai đó, trân trọng họ, cảm nhận sự hiện diện của họ trong mỗi hoàn cảnh, tình huống, sự việc. Bạn thử tưởng tượng trong xã hội với guồng quay hối hả như hiện tại, không ai cảm nhận được sự hiện diện của nhau, cứ đi lướt qua nhau thì xã hội này sẽ ra sao, chắc hẳn không lâu sau đó con người ta sẽ không còn động lực để làm bất cứ việc gì nữa. Bởi vậy dù bận rộn đến đâu, chúng ta vẫn phải dừng lại, dành sự quan tâm cho những người xung quanh mình, cảm nhận sự hiện diện của nhau, và công nhận những thành tự dù nhỏ nhất của mỗi người. Nói một cách dễ hiểu thì sự công nhận chính là một cách giao tiếp không lời nhằm truyền tải một thông điệp: “Với tôi bạn là một người độc đáo, đặc biệt xuất hiện trên hành trình của tôi và của chính bạn. Sự hiện diện của bạn trong cuộc đời này thực sự là một điều đáng quý.”

Trong các phiên khai vấn, Người nhận khai vấn hoàn toàn xứng đáng để được cộng nhận bởi họ đã dũng cảm dấn thân vào những khó khăn của mình. Một Nhà khai vấn xuất sắc sẽ không chỉ dừng lại ở sự công nhận mặt tốt của Người nhận khai vấn mà còn biết ghi nhận cả những khó khăn, sai lầm mà Người nhận khai vấn mắc phải. Tuy nhiên sự công nhận chỉ đúng đắn khi Nhà khai vấn không mắc phải lỗi quy kết, không nên xem những sai lầm đó phản ánh đúng con người họ. Sự ghi nhận kèm những lời động viên khuyến khích Người nhận khai vấn kiên trì cải thiện mới có hiệu quả. Sự công nhận không đơn thuần chỉ là khen ngợi. Lời khen đôi khi không khéo hoặc không thành thật sẽ trở thành giả tạo, khen xã giao. Nhà khai vấn xuất sắc không chỉ nhìn bề ngoài mà còn khám phá cả những tầng cảm xúc bên trong Người nhận khai vấn xem họ là ai, và họ đã nỗ lực như thế nào để có được con người như hiện tại.

Hãy để sự công nhận trở thành một lối sống của tất cả chúng ta, biến nó thành những cử chỉ đơn giản nhất . Bắt đầu từ hôm nay bạn hãy quan tâm đến những người xung quanh mình, gọi tên họ, cảm ơn họ. Đơn giản vậy thôi.

Một vài ví dụ về cách công nhận người khác:

  • Bạn là một người thú vị.
  • Tôi thích làm việc với bạn.
  • Bạn thật đặc biệt.
  • Tôi quý bạn lắm

CELINA KHÁNH AN

  • Nguồn tham khảo: The master Coach, Gregg Thompson

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *