TRÍ TUỆ CẢM XÚC TRONG KHAI VẤN
TRÍ TUỆ CẢM XÚC TRONG KHAI VẤN

Trí tuệ cảm xúc là một trong những nền tảng quan trọng để con người có thể thấu hiểu bản thân và thấu hiểu những người xung quanh một cách sâu sắc. Nhờ trí tuệ cảm xúc bạn có thể biết những cảm xúc buồn - vui - giận - ghét khi nó tới, từ đó bạn quản lý được nó và có những hành động phù hợp. Nhờ Trí tuệ cảm xúc bạn sẽ cảm thấy cuộc sống trọn vẹn với mình hơn, cư xử với xung quanh dễ chịu hơn, dễ cảm thông hơn, và biết cách thấu cảm. Đây chính là phẩm chất mà các Nhà khai vấn muốn thành công đều phải có. Trí tuệ cảm xúc sẽ dân dắt họ tìm được những công cụ thích hợp để sử dụng trong các phiên khai vấn của mình phù hợp với từng đối tượng Người nhận khai vấn.

Cảm xúc xét trên một phương diện nào đó có thể là một đồng minh tuyệt vời nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể là một kẻ thù nguy hiểm nếu chúng ta phụ thuộc vào nó. Bằng góc nhìn phù hợp cảm xúc sẽ dẫn lối cho chúng ta khám phá bản thân để hiểu mình và từ đó hiểu người khác. Trong rất nhiều từ điển, cảm xúc được định nghĩa là trạng thái tinh thần hoặc cảm giác bộc phát tại thời điểm đó mà không có sự can thiệp của ý thức. Điều này có nghĩa là cảm xúc hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên Trí tuệ cảm xúc lại chứng minh điều ngược lại rằng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và quản lý cảm xúc của mình, nó sẽ giúp chúng ta bỏ đi thói quen đè nén cảm xúc, từ đó tôn trọng cảm xúc của mình hơn. Nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi có một thuật ngữ diễn tả về trạng thái này: dòng chảy (flow). “Thả lỏng bản thân theo dòng chảy là trạng thái tốt nhất của trí tuệ cảm xúc, dòng chảy là trạng thái hoà hợp với cảm xúc khi bạn học tập và làm việc. Trong dòng chảy, cảm xúc không còn bị kìm nén và bị điều hướng mà tràn đầy tích cực, hào hứng và hài hoà với nhiệm vụ trước mắt”.

Vậy làm sao để có thể rèn luyện được trí tuệ cảm xúc. Đây thực sự không phải là việc dễ dàng, nó cần ở bạn sự kiên trì và tập trung, luôn nhắc nhở bản thân thực hiện. Trong cuốn sách Emotional Intelligence (Trí tuệ cảm xúc), tác giả Daniel Goleman đã xác định 5 lĩnh vực của trí tuệ cảm xúc bao gồm: khả năng tự nhận thức, động lực, sự tự điều chỉnh, sự thấu cảm và cư xử hài hoà trong các mối quan hệ. Goleman đã viết trong cuốn sách về tầm quan trọng của Trí tuệ cảm xúc như sau: “IQ hay những kỹ năng kỹ thuật không chi phối toàn bộ thành công của nhà lãnh đạo. Dĩ nhiên, chúng quan trọng nhưng chỉ là những yếu tố cơ bản cho các vị trí điều hành. Theo nghiên cứ của tôi và một số nghiên cứ khác gần đây, rõ ràng trí tuệ cảm xúc mới là điều kiện thiết yếu làm nên năng lực lãnh đạo. Một người được đào tạo tốt nhất trên thế giới, có đầu óc phân tích sắc bén và vô số ý tưởng thông minh những thiếu EQ thì vẫn không thể trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc.”

Trí tuệ cảm xúc không tự nhiên sinh ra đã sẵn, nó cũng không mang tính di truyền. Trí tuệ cảm xúc là quá trình rèn luyện thông qua những trải nghiệm và sự trưởng thành, thế nên có những người chết đi rồi vẫn không hiểu được bản thân mình thế nào, muốn gì và cần gì. Và đương nhiên họ cũng sẽ chẳng hiểu được người xung quanh mình. Đó thực sự là một thiệt thòi. Bởi vậy bạn cần nỗ lực rèn luyện để có được trí tuệ cảm xúc nhất là khi bạn quyết định đi trên con đường trở thành một Nhà khai vấn xuất sắc. Tôi sẽ giới thiệu với bạn những cách để rèn luyện và phát triển Trí tuệ cảm xúc:

  1. Kết nối với phần thật nhất trong con người bạn. Bạn hãy nhận diện cảm xúc của mình và thừa nhận nó đang tồn tại bất kể đó là cảm xúc gì. Cảm xúc chính là bạn, bạn là hiện thân của cảm xúc. Trong cuộc sống bạn luôn chịu tác động của rất nhiều loại cảm xúc dù muốn hay không muốn. Goleman cho rằng việc đầu tiên trong quá trình rèn luyện Trí tuệ cảm xúc là bạn phải tự nhận thức được mình. Có hàng trăm loại cảm xúc đang tồn tại mà sự thật là bạn chỉ mới đang gọi tên được một số loại cơ bản như vui, buồn, giận, ghét, yêu…., bạn hãy tìm cách thu hẹp các loại cảm xúc lại, tìm hiểu lý do đằng sau mỗi loại cảm xúc. Từ đó bạn có thể đưa ra những phản ứng thông minh, và có những hành động phù hợp với mỗi tình huống. Giả sử bạn đang giận vì con không chịu học bài, và bạn nói nó cãi lại. Ngay thời điểm đó bạn cần hiểu và phân tích lý do tại sao con bạn lại như vậy và bạn thử đặt bạn trong tình huống của con để xem xét. Khi bạn hiểu được bạn sẽ đưa ra được những hành động phù hợp. Bạn sẽ biết bạn nên ngồi nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng hay bạn đánh con cho thoả cơn giận. Bạn nên nhớ rằng ngay cả người điểm tĩnh nhất cũng có những nút bấm cảm xúc - những yếu tố kích thích phản ứng tự động khiến họ mất kiểm soát. Trong phiên khai vấn của mình, bạn hãy thận trọng đừng để Người nhận khai vấn bấm vào nút bấm cảm xúc của mình. Muốn được vậy bạn, một Nhà khai vấn, cần hiểu rõ bản thân để giữ bình tĩnh trước mọi loại cảm xúc đang chực chờ thống lĩnh bạn, khiến bạn nghe theo nó một cách bản năng nhất. Lúc ấy bạn sẽ còn hiện diện trong phiên khai vấn đó nữa.
  2. Làm chủ cảm xúc. Theo thuật ngữ của ngành khoa học thần kinh, khi bạn dừng lại để suy nghĩ, bạn đã cho phần vỏ đại não (neocortex) một cơ hội lên tiếng. Đây là phần não nằm trước trán rất thông minh và có khả năng cao, giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt và chắc chắn. Việc làm chủ cảm xúc chính là việc bạn để cho vỏ đại não làm việc, bằng cách tạo ra khoảng dừng giữa lúc cảm thấy cảm xúc tới và hành động. Bạn dừng lại, hít thở, gọi tên cảm xúc đang hiện hữu. Khi đó vỏ đại não sẽ có thời gian để xử lý dữ liệu theo đúng chức năng của nó, cuối cùng đưa tới phản ứng và hành động phù hợp.
  3. Thấu cảm. Thấu cảm nghĩa là đặt bản thân vào vị trí người khác để hiểu và chia sẻ. Thấu cảm được coi là một kỹ năng về trí tuệ cảm xúc quan trọng nhất mà một Nhà khai vấn cần phải có. Khi bạn thấu cảm bạn sẽ loại bỏ những định kiến, những suy nghĩ cố hữu về một người nhờ đó bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn, thay thế những ấn tượng xấu bằng những ấn tượng tích cực. Một nhà khai vấn bậc thấy có một khả năng thấu cảm sâu sắc với xung quanh mình và với Người nhận khai vấn. Họ luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp, tiềm năng ẩn sâu trong mỗi Người nhận khai vấn. Không những vậy, nhờ sự thấu cảm họ còn nhìn thấy những nỗi bất an của Người nhận khai vấn và chia sẻ với họ, động viên Người nhận khai vấn vượt qua những giới hạn, rào cản của mình. Cũng nhờ thấu cảm, Nhà khai vấn sẽ bỏ đi những phán xét, gỡ bỏ góc nhìn định kiến của bản thân. Đây là những yếu tố quyết định thành công của các phiên khai vấn. Thấu cảm không hề dễ có được, nó đòi hỏi bạn rèn luyện cả đời. Để trở thành một Nhà khai vấn xuất sắc bạn cần nuôi dưỡng sự Thấu cảm mỗi ngày, khiến nó trở thành một lối sống tự nhiên. Lúc ấy bạn sẽ nhìn cuộc đời thật đẹp đẽ, lạc quan và tích cực.
  4. Lan toả sự tích cực. Trong các phiên khai vấn, nhà khai vấn đóng vai trò lan toả năng lượng, nên việc nhà khai vấn có một năng lượng tích cực rất quan trọng. Nhà khai vấn xuất sắc luôn duy trì tinh thần lạc quan, tự tin, thông suốt. Năng lượng tự tin của họ lan toả khắp mọi nơi. Tuy nhiên bản chất của cảm xúc là luôn luôn tồn tại cả tích cực và tiêu cực, và việc của chúng ta là phải đón nhận nó như một phần tất yếu. Nhà Khai vấn giỏi sẽ luôn đón nhận cả những cảm xúc tiêu cực dưới lăng kính của sự thấu cảm, không phán xét, lắng nghe mọi tâm tư của Người nhận khai vấn để giúp họ tìm ra các cách vượt qua những rào cản trong họ. Có đôi lúc bạn sẽ gặp những phản ứng dữ dội từ Người nhận khai vấn và bạn cũng sẽ cảm thấy khó chịu. Đây là một lẽ thông thường. Trước khi phản hồi bạn cần tự hỏi bản thân rằng: Liệu những phản ứng của bạn lúc này có giúp cho Người nhận khai vấn tốt hơn ko, liệu rằng bạn có đang phản ứng một cách bản năng hay không. Xét đến cùng phản ứng tiêu cực là biểu hiện của sự bế tắc, bất lực của một người trước một vấn đề mà họ gặp phải. Sự khác biệt của mỗi người nằm ở cách xử lý một tình huống giống hệt như nhau. Bạn, với vai trò là một Nhà khai vấn, bạn sẽ không thể để bản thân phản ứng giống hệt như Người nhận khai vấn. Tất nhiên Nhà khai vấn không phải là một cỗ máy không có cảm xúc, khiếm khuyết nhưng một Nhà khai vấn giỏi sẽ trưởng thành về mặt cảm xúc khi đối mặt với những cảm xúc khó chịu của mình và của Người nhận khai vấn. Có một sự thật mà bạn cần phải biết khi theo đuổi nghề khai vấn đó là có 4 nỗi sợ luôn ám ảnh nhà khai vấn một cách thường xuyên đó là: thất bại, bị từ chối, xấu hổ và phải đối diện với những điều chưa biết. Bởi vậy Nhà khai vấn cần đối diện với nỗi sợ và thực hiện khai vấn. Ai cũng vậy, càng dũng cảm đối mặt càng nhanh trưởng thành. Giống như khi chúng ta bắt đầu tập đi xe đạp, những ngày đầu tiên chúng ta đã ngã đau như nào, bạn nhớ không? Nếu bạn từ bỏ ngay từ lần đầu thì có lẽ đến giờ bạn vẫn không thể nào giữ thăng bằng trên chiếc xe đạp. (Tôi sẽ có những bài viết về việc chinh phục nỗi sợ và xây dựng lòng tự tin)*. Trong Khai vấn lòng dũng cảm của Nhà khai vấn thể hiện ở việc họ dám đối mặt với những thay đổi, rủi ro và những điều chưa biết bằng sự tự tin. Vậy làm sao để rèn luyện lòng dũng cảm? Đây là việc đòi hỏi bạn phải rất nỗ lực mới có thể đạt được. Hãy luôn vượt qua giới hạn bản thân, bước ra khỏi vùng an toàn, đối mặt với những điều không chắc chắn, chấp nhận rủi ro.

Tôi đã trải qua một quãng thời gian làm nghề đủ để nhận ra Khai vấn là một nghề bất ổn cho dù bạn đã luôn cố gắng những bạn sẽ vẫn đối mặt với những ý kiến trái chiều, chưa kể những nghi ngờ hoặc không tin bạn sẽ thành công. Khi bạn đã lựa chọn thì hãy dũng cảm dấn thân, chấp nhận mọi thử thách. Có nhiều con đường để đi, có những ngã rẽ bất ngờ mà chúng ta phải đón nhận. Nghề khai vấn vẫn đang là một nghề mới mẻ nhưng mang nhiều giá trị to lớn. Mỗi thời điểm trên hành trình của mình bạn hãy chọn một cách để làm nghề hiệu quả nhất, vừa giữ được lửa vừa rèn luyện bản thân cho một hành trình lâu dài.

Tôi tin bạn sẽ làm được như tôi đang tin bản thân mình.

CELINA KHÁNH AN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *