SỰ HIỆN DIỆN TRONG KHAI VẤN
SỰ HIỆN DIỆN TRONG KHAI VẤN

Thực sự trong thực hành khai vấn, sự hiện diện là khó nhất. Bạn biết đấy cái đầu của chúng ta vận động không ngừng, nó chất chứa đủ loại suy nghĩ về hôm qua, hôm nay và ngày mai. Chính nó cũng là thứ khiến nhiều lúc chúng ta trở nên xao nhãng trong cuộc sống, công việc hay trong giao tiếp. Điều đó lý giải tại sao có lúc nói chuyện với ai đó bạn đã không nhớ họ nói gì cả và câu hỏi thường thấy là: Bạn vừa nói gì ấy nhỉ? Đó chính là dấu hiệu của sự mất hiện diện. Trong giao tiếp thông thường, mất hiện diện có thể không sao cả nhưng trong khai vấn, bạn sẽ không thể khai vấn được nếu bạn mất hiện diện dù chỉ một tích tắc. Bạn sẽ không thể vận dụng nguyên tắc lắng nghe sâu, không thể thấu cảm và chắc chắn bạn không thể đặt được câu hỏi đúng để giúp Người nhận khai vấn giải quyết chuyện của họ. Dĩ nhiên phiên khai vấn lúc này trở nên bế tắc.

Hãy học cách tập trung vào hiện tại là việc đầu tiên bạn phải làm để đảm bảo nguyên tắc hiện diện. Đây là một thử thách của bạn khi bước vào nghề khai vấn. Khai vấn là quá trình nhịn vào hiện tại và tương lai thế nên cho dù câu chuyện bạn đang nghe là gì nó cũng không phải là của ngày hôm qua. Trong khoảnh khắc của hiện tại nhà khai vấn bậc thầy sẽ suy nghĩ về những câu hỏi như: “Tôi cần làm gì để hỗ trợ khách hàng?” “Ngay lúc này việc quan trọng có thể làm để hỗ trợ khách hàng là gì?” “Động viên hay không làm gì cả?” “Đặt câu hỏi, đưa ra phản hồi gì?”. Trực giác sẽ mách bảo Nhà khai vấn.

Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA, đầy sự hỗ loạn, hoang mang khiến chúng ta xao nhãng. Bạn hãy luyện tập hít thở, thiền định, học cách ngồi im lắng nghe hơi thở của mình (mỗi ngày 5-10ph, rồi tăng dần lên). Khi đã thành thói quen, khi bạn ngồi đối diện với người khác, một cách tự nhiên, bạn sẽ biết cách tập trung và cũng có thể nhận biết người đối diện có tập trung hay không. Những biểu hiện xao nhãng như xem điện thoại, nhìn ra cửa sổ, nhìn chỗ khác, liên tục thay đổi tư thế ngồi…. Việc thiếu tập trung của mỗi người hoàn toàn do tâm trí của người đó chứ không phải là sự bận rộn. Chúng ta từ lâu đã quen để cho tâm trí chạy theo những câu chuyện do nó sáng tạo ra. Chúng ta nghĩ về những điều chưa tới, những điều đã qua, về người sắp gặp hay đã gặp. Thói quen này làm xói mòn khả năng tập trung vào hiện tại làm giảm sự kết nối trong giao tiếp, thậm chí là đứt đoạn.

Hiện diện trọn vẹn là kỹ năng cần phải rèn luyện và khi có được điều đó thì Nhà khai vấn đã vừa tặng cho Người nhận khai vấn một món quà tuyệt vời. Chỉ khi Nhà khai vấn tập trung hoàn toàn vào khoảnh khắc hiện tại thì mới mang đến sức mạnh chuyển hoá to lớn. Đừng để ảnh hưởng bởi quá khứ của người đó, bạn hãy bước vào phiên khai vấn như thể đây là lần đầu bạn được gặp họ. Và lúc này kỹ năng lắng nghe sâu của bạn sẽ được phát huy. Sự hiện diện sẽ giúp bạn nghe được tất cả những gì mà Người nhận khai vấn đang nói. Rất nhiều nhà khai vấn đã gặp phải vấn để đối với quá trình lắng nghe sâu bởi vì họ đang dành sự chú tâm cho tiếng nói trong đầu của họ. Và bạn đang rơi vào trạng thái bạn chỉ đang lắng nghe Người nhận khai vấn bằng một tai tai còn lại bạn đang suy nghĩ xem bạn nên trả lời thế nào, đưa ra câu hỏi ra sao, khuyên gì, bạn muốn họ phải trả lời bạn thế nào? Tiếng nói trong đầu là thứ không thể loại bỏ, đó là điều chắc chắn nhưng bạn có thể cố gắng không chú ý đến nó quá nhiều, bạn có thể sử dụng thủ thuật lắng nghe chủ động, nghe và ghi chép lại (nhưng cần thận nếu không bạn đang mất khả năng giao tiếp mắt với Người nhận khai vấn). Bạn có thể lắng nghe một cách thật tò mò, giống như thể bạn đang bị cuốn hút vào câu chuyện một cách có chủ ý. Hãy nhớ Người nhận khai vấn là người giải quyết vấn đề chứ không phải bạn, thế nên cứ tập trung lắng nghe họ nói, thật tập trung. Sự tập trung sẽ giúp bạn không bỏ lỡ những yếu tố then chốt đầy tinh tế để thấu hiểu những những điều Người nhận khai vấn muốn nói ở mức độ sâu sắc nhất.

Từ khoá chánh niệm hay tỉnh thức gần đây được nói đến rất nhiều. Nó vốn là một kỹ thuật thiền được các vị thầy tâm linh thực hành và đang dần trở thành công cụ được nhiều người biết đến và thực hành với mong muốn giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Tỉnh thức và sự hiện diện là hai trạng thái khác nhau nhưng có mối quan hệ gần gũi song hành với nhau. Hiện diện là ngừng quan tâm (về những ý nghĩ không liên quan) còn tỉnh thức là tập trung quan sát và quan tâm. Khi bạn hiện diện được là bạn sẽ tỉnh thức được. Khi thực hành tỉnh thức bạn cần sẵn sàng đón nhận các luông cảm xúc trái chiều, có buồn vui tích cực nhưng cũng có cả những khổ sở, khó chịu. Ngừng phán xét trước những sự việc bạn đang đối diện, chấp nhận mọi thứ đang diễn ra như nó vốn vậy. Khi đó bạn sẽ ít bị cuốn vào những câu chuyện ngoài lề đang chạy ngang tâm trí bạn và bạn sẽ không mắc kẹt trong một mớ những cảm xúc hỗn độn nữa.

Sự tỉnh thức sẽ giúp bạn dồn toàn bộ sự chú tâm vào cuộc đối thoại, lắng nghe sâu và kết nối với Người nhận khai vấn hỗ trợ họ khám phá năng lực của chính mình. Hãy tạo khoảng lặng khi cần. Tĩnh lặng không phải là thiếu năng lượng mà tĩnh lặng thúc đẩy người khác đào sâu suy nghĩ, quay về bản thân và nhìn nhận tổng thể. Nếu cuộc nói chuyện diễn ra liên tục cả Nhà khai vấn và Người nhận khai vấn sẽ không ngừng chia sẻ mọi suy nghĩ và cảm xúc thì cả hai sẽ không có cơ hội tạm dừng và suy ngẫm, cuộc đối thoại sẽ trở nên hời hợt. Mọi quyết định, hành động đều cần phải suy nghĩ thấu đáo. Ngay cả khi không nghĩ ra được gì cũng cần tĩnh lặng. Khoảng lặng giống như một nốt nhạc trống giữa một bản nhạc để người nghe thưởng thức giai điệu vậy. Khi đó mọi thứ dường như trở nên sáng rõ hơn.

Mỗi điều tôi chia sẻ đều là những kỹ năng khó, ngay cả tôi cũng phải dành rất nhiều thời gian để chiêm nghiệm, để thực hành và thấu hiểu. Trên hành trình trở thành một Nhà khai vấn xuất sắc hãy thực hành và chia sẻ cho nhau nghe những vướng mắc gặp phải bạn nha. Mong nhận được những chia sẻ từ bạn.

CELINA KHÁNH AN

Nguồn tài liệu: The master coach, Gregg Thompson

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *