Điều gì tạo nên tâm thế của nhà khai vấn? Có phải là sự thành công, là vinh quang, là một bề ngoài hào nhoáng, hay một chức danh địa vị. Khi bước chân vào nghề tôi vẫn nghĩ tôi cần phải là một người thành công, một chuyên gia trong ít nhất một lĩnh vực, một người có bằng cấp cao, hay một người đầy trải nghiệm cuộc đời… thì tôi mới có thể ngồi trước khách hàng của mình. Tôi cứ nghĩ tâm thế tôi phải như vậy, và những chuyên gia khai vấn đang hành nghề cùng phải vậy. Quá trình tìm hiểu và làm nghề tôi mới nhận ra: có một sự thật rằng tôi không cần khoác lên mình từng đó chiếc áo lộng lẫy mới đủ tâm thế. Tôi là tôi, chấp nhận kể cả khi tôi chưa hoàn hảo. Nhà khai vấn biết chấp nhận mình sẽ biết chấp nhận người khác, can đảm đối diện mình sẽ giúp Người nhận khai vấn can đảm đối diện chính họ.
Hầu hết chúng ta đều tin rằng bản thân mình là người trung thực nhưng thực tế không hẳn như vậy. Chúng ta thường né tránh nói ra toàn bộ sự thật hơn chúng ta nghĩ không phải vì cố tình gian dối mà đó là một phản xạ chúng ta đã được dạy dỗ từ khi còn nhỏ. Bạn có nhớ bạn đã từng được dạy là phải suy nghĩ trước khi nói, không được hấp tấp, ăn nói phải cẩn thận… Đó là lý do chúng ta luôn nghĩ trước nghĩ sau dẫn tới việc sẽ né tránh hơn là nói ra hết lòng mình.
Trong Khai vấn, sự thật là công cụ mạnh mẽ giúp cho phiên khai vấn có hiệu quả. Bậc thầy khai vấn luôn nói ra sự thật khi họ thực sự mong muốn Người nhận khai vấn tốt hơn lên. Và tất nhiên Nhà khai vấn sẽ luôn làm gương của mình khi đối diện với sự thật của chính mình trước. Tâm thế trước khi bước vào một phiên khai vấn trước tiên đó là sự thật, sự thật của bản thân mình và sự thật của Người nhận khai vấn. Tuy nhiên để có thể nói lên sự thật về một người thì Nhà khai vấn trước tiên phải cảm nhận được hoàn cảnh mà họ đang rơi vào bằng cách đặt mình vào vị trí người khác. Việc quan tâm tới cảm xúc của người khác là cách bạn bày tỏ sự tôn trọng và chứng minh ý định tốt đẹp của mình. Sẽ có lúc bạn sẽ ở trong những phiên khai vấn căng thẳng, Người nhận khai vấn sẽ có thể trào dâng nhiều cảm xúc. Bạn, Nhà khai vấn cần trấn an họ, tôn trọng cảm xúc hiện tại của họ, cho họ một góc nhìn tốt đẹp hơn về sự việc đó.
Nói lên sự thật là một điều không dễ dàng với bất cứ ai, và bạn sẽ thường xuyên gặp phải phản khác nếu không tuân theo những nguyên tắc sau:
- Thứ nhất, bạn phải nhận diện cảm xúc và suy nghĩ của mình trong hoàn cảnh mà Người nhận khai vấn gặp phải.
- Thứ hai, bạn cần tin rằng cảm xúc và suy nghĩ của mình chứa đựng thông tin hữu ích đáng để chia sẻ.
- Cuối cùng, bạn phải nhận định xe việc bày tỏ suy nghĩ và quan điểm này có xứng đàng để bạn mạo hiểm hay không? Nếu mạo hiểm, bạn có biết cách tốt nhất để chia sẻ không?
Tôi tin việc khi Nhà khai vấn nói ra sự thật thì Người nhận khai vấn sẽ với một ý định tử tế và trung thực thì Người nhận khai vấn sẽ ghi nhớ. Họ sẽ hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng. Tất nhiên không phải Người nhận khai vấn nào cũng dễ dàng tiếp cận sự thật. Là một Nhà khai vấn bạn cần học cách đối diện với cơn giận của Người nhận khai vấn, kiên trì và vượt qua khoảnh khắc khó chịu. Hãy tưởng tượng tình huống này: Bạn đang lún sâu vào một cuộc trò chuyện đầy căng thẳng với vô số những cảm xúc khó chịu. Người nhận khai vấn đang đứng trước nhiều lựa chọn với nhiều băn khoăn, và làm sao để Người nhận khai vấn bước sang một trang mới. Tôi nghĩ lúc ấy chỉ cần một cái huých nhẹ là họ đã bước được rồi. Nhưng tuyệt đối đừng làm nha vì việc của Nhà khai vấn là ngồi yên chia sẻ cảm xúc, vỗ về chia sẻ. Họ có bước hay không là do chính họ tự biết.
Một phiên khai vấn thế nào là trọn vẹn, bạn có từng đặt ra câu hỏi này chưa? Tôi tin là có, vì tôi vẫn luôn tự hỏi bản thân sau mỗi phiên khai vấn rằng tôi có giúp Người nhận khai vấn hài lòng không? Nếu có thì hài lòng điều gì, nếu không thì tại sao? Tôi sợ cảm giác khi Người nhận khai vấn ra về mà lòng họ còn nặng trĩu, bất an, hoang mang trước nhiều mối bận tâm còn chưa được giải quyết. Một Nhà khai vấn giỏi luôn dốc lòng cho mỗi phiên khai vấn. Họ biết họ cần nói điều gì kể cả những sự thật mất lòng, họ biết cách đưa ra góc nhìn mà không làm mất đi giá trị của khai vấn. Họ không cần làm gì để được yêu thích, được ngưỡng mộ mà tự trong họ toả ra một niềm tin để Người nhận khai vấn có thể chia sẻ câu chuyện của mình. Một Nhà khai vấn sáng suốt sẽ biết cách kết thúc phiên khai vấn một cách bình an và nhẹ nhõm.
Còn bạn, bạn chuẩn bị tâm thế của mình như thế nào trước mỗi phiên khai vấn. Hãy chia sẻ với tôi.
CELINA KHÁNH AN