HÀNH TRÌNH NHẬT BẢN, 11/2018. NGÀY 6: CHÙA TODAI-JI VÀ CÔNG VIÊN NARA
HÀNH TRÌNH NHẬT BẢN, 11/2018. NGÀY 6: CHÙA TODAI-JI VÀ CÔNG VIÊN NARA

Ngày thứ 5 chúng tôi đến Nagoya để nghỉ ngơi và đi chơi, đi mua sắm theo lộ trình đã được tour đặt ra từ ban đầu. Thực ra đây cũng là khoảng thời gian khá thú vị cho nhiều người đặc biệt là những người thích mua sắm. Hàng hoá Nhật phải nói là cực kỳ tinh tế và không hề rẻ, thế nhưng ai tới Nhật cũng phải một vài lần thoả mãn thú vui mua sắm này, vừa cho bản thân vừa làm quà khi về Việt Nam. Riêng tôi, tôi không thích đi mua sắm vì sở thích của tôi sang nước ngoài không phải để mua mà là để trải nghiệm, ngắm cảnh, chụp hình. Hàng hoá ở Việt Nam bây giờ có thiếu gì đâu, thậm chí cũng không quá mắc so với hàng ở chính quốc. Bởi vậy tôi chả dại gì mang vác cho mệt, chỉ mua chút mỹ phẩm về tặng, một chút quà lưu niệm mà thôi. Đây có lẽ là khoảng thời gian nhạt nhẽo nhất đối với mình nên tôi không viết nhiều về ngày thứ 5 này. Chỉ có một lưu ý về hàng hoá tại Nhật để các bạn đến Nhật Bản lần đầu biết và có những văn hoá cư xử cho đúng, tránh để người Nhật đánh giá. Đối với người nước ngoài sang Nhật mua hàng, Chính phủ Nhật miễn 7% thuế (thời điểm tôi đi năm 2018 là mức này) nghĩa là bạn đang mua hàng duty free. Khi hàng hoá được tính tiền, người bàn hàng sẽ đóng túi hàng và niêm phong bằng một dải băng keo đỏ với dòng chữ tiếng Anh: Bạn không được dùng hàng hoá này trên đất nước Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là khi bạn đã được miễn thuế, bạn cần chấp hành việc sử dụng hàng hoá đúng quy định miễn thuế của Nhật. 

“Osu Shotengai” khu vực tập trung dày đặc các quán ăn, thời trang, văn hoá nhóm (Nagoya)

Bạn hãy lưu ý điều này, tôi vẫn phải nhắc đi nhắc lại bạn là chúng ta hãy chấp hành vì nếu không Nhật Bản họ sẽ có những động thái siết luật với người tới đất nước họ thì sẽ rất thiệt thòi cho các bạn đến Nhật sau này. Rất nhiều người khi về khách sạn đóng gói vali đã tháo niêm phong túi này ra ra xếp lại hàng hoá vào vali cho gọn. Tôi hoàn toàn không phản đối, nhưng bạn hãy gập cái túi này lại và cho vào vali, chứ đừng quăng vô sọt rác nhé. Người Nhật họ không quan tâm bạn làm gì với số hàng hoá đó, nhưng họ nhìn thấy bịch nilon với niêm phong đã xé ở trong sọt rác thì bạn hoàn toàn không thể bào chữa.

Chùa Todai-ji

Ngày thứ 6 chúng tôi tới Osaka và đi thăm chùa Todai-ji và công viên Nara. Tôi lại một lần nữa choáng ngợp bởi khung cảnh nơi đây. Chùa Todai-ji có kiến trúc độc đáo nên không thể xem hết trong vòng 1 ngày, bởi vậy tôi đi thăm chùa chả khác gì cưỡi ngựa xem hoa, chỉ kịp thu vào tầm mắt những nét độc đáo của ngôi chùa này. Tôi không có thời gian chiêm ngưỡng cổng Sanmon lớn nhất Nhật Bản, Pháp hoa điện với những bức tượng tuyệt đẹp đặt cạnh nhau. Tôi chỉ có cơ hội ngắm tượng phập Todai-ji cao 14,7m. Xin giới thiệu một chút về ngôi chùa nổi tiếng này. Todai-ji được UNESCO công nhận là “ Quần thể đài tưởng niệm mang tính lịch sử của thời Nara” cùng một lúc với 7 công trình khác bao gồm các ngôi chùa, miếu và những danh thắng khác cùng nằm trong cố cung Nara.

Năm 728 trong thời Nara, Thiên hoàng Shomu đã cho xây dựng chùa Kinshoshan-ji để tưởng nhớ Hoàng thái tử Motoishinnou, vị hoàng tử đầu tiên chết trẻ mà chưa kịp đón sinh nhật 1 tuổi của mình. Năm 743, Thiên hoàng hạ lệnh cho xây dựng tượng phập Todai-ji Rushana, bức tượng nổi tiếng với cái tên đại phật của vùng Nara. Đại Tượng Phật được đúc vào năm 749 và hoàn thành năm 751, tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng đồng của nước Nhật sản xuất ra trong suốt nhiều năm trời và khiến nền kinh tế đất nước gần như sụp đổ.

Cạnh đại phật điện là một cột trụ lớn có tên là  Kuguri, trên cột có một cái lỗ. Truyền thuyết nói rằng ai chui qua cái lỗ đó cả năm sẽ gặp may mắn. Thật tiếc là tôi chưa được chui qua đó. Hy vọng lần tới Nhật Bản thứ 2 tôi sẽ làm được. Nằm cạnh Chùa Todai-ji là quần thể công viên Nara. Đây là một công viên yên bình, thanh tĩnh, không khí trong lành với rất nhiều cây xanh. Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Nara. Đây đồng thời cũng là công viên có diện tích lớn nhất Nhật Bản, với diện tích lên đến gần 700ha, trải rộng và được phủ bởi một lớp cỏ xanh mướt. Công viên Nara còn được gọi là công viên của những chú nai. bởi đây là nơi sinh sống và bảo tồn, chăm sóc của hơn 1200 con nai và hươu thuộc các giống khác nhau. Trước kia, người dân ở đây tôn sùng và coi nai là một loài vật vô cùng linh thiêng, tựa như nó là sứ giả của những vị thần.

Ngắm cảnh bên hồ trong công viên Nara

Tôi rất thích cảm giác đứng ở công viên này. Thiên nhiên hoang dã nhưng lại vô cùng gần gũi. Nai đi dạo khắp nơi, chúng thân quen gần gũi với con người, ai cũng có thể cho ăn, vuốt ve, chụp hình cùng chúng. Chúng đã quen được du khách cho ăn nên cứ thấy ai cầm theo bịch nilon là chúng theo cho đến khi cho ăn mới thôi, cũng không tránh khỏi nhiều du khách vô ý bỏ bịch nilon không đúng chỗ khiến chúng ăn phải, không tiêu hoá được và chết. Đây cũng là một lưu ý nữa đối với người tới thăm công viên Nara, cần cùng nhau bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Nai ở trên vùng đất này đã lâu, nên sau này khi xây xong chùa người Nhật đã để mặc cho chúng sống trong khuôn viên chùa vì họ nghĩ đó là điểm may. 

Còn với tôi, bước chân đi ra ngoài thế giới một lần là một lần may mắn vì có thể hiểu nhiều hơn và biết thêm nhiều điều thú vị. Thế giới rộng lớn và mục tiêu của tôi là được đi để viết lại, viết thật nhiều cho những ai muốn đọc.

CELINA KHÁNH AN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *