HỌC GIỎI ĐỂ LÀM GÌ?
HỌC GIỎI ĐỂ LÀM GÌ?

Câu hỏi này đặt ra cho tất cả các anh chị em đã và đang làm cha mẹ có con cái đang tuổi đi học từ cấp tiểu học trở lên. Rằng các anh chị muốn con được danh hiệu học sinh giỏi để làm gì? Tôi nhớ tiểu học các cô thi nhau luyện chữ đẹp cho các cháu. Học sinh giỏi được đo bằng chữ đẹp làm toán nhanh, thêm môn tiếng Anh biết đếm one, two, three…. Thú thật là con tôi học tiểu học cũng gian nan lắm. Bẩm sinh ra thuận tay trái, mọi thứ cầm nắm, làm, ăn đều bằng tay trái và tôi thì luôn tôn trọng thiên hướng của con. Học tiểu học cô luyện cho viết tay phải theo chuẩn của giáo dục Việt Nam, nó quăng lên quăng xuống cái bút không viết. Đến khi viết được thì chữ xấu ơi là xấu. Khốn khổ là từ khi lớp 1 lớp 2, áp lực điểm số đã đè lên nó khiến cho cảm giác không bằng được bạn khác cứ loanh quanh trong đầu. Đừng nghĩ là con nít không biết gì anh chị ạ. Nó biết hết dù nó không nói ra, ai yêu ai ghét nó, nó biết hết và phản ứng của nó là im lặng và làm theo cách nó nghĩ và cho là đúng. Cả một mùa hè trước khi lên cấp hai bà luyện cho chữ đẹp hẳn lên thì nó rơi vào nền giáo dục thứ 2 khác xa. Đó là cấp 2

Lên đến cấp 2, đầu lớp 6 con tôi viết chậm sợ chữ xấu thì cô la nói viết vậy không kịp bài, viết nhanh lên. Về xem vở con hốt hoảng bảo sao chữ xấu vậy con. Nó bảo: “Cô bảo viết nhanh lên không cần đẹp, mới kịp bài”. Vậy 5 năm tiểu học luyện bằng được cho chữ đẹp để làm gì, học giỏi để làm gì? Giả sử 4 năm cấp 2 giỏi, 3 năm cấp ba giỏi tiếp cũng chỉ đo bằng kết quả là đậu đại học hay không đúng không?, vì hiện tại ko có quy chế xét thẳng vào ĐH cho 7 năm hoặc 12 năm học sinh giỏi. Vậy học giỏi để làm gì nếu như học khá cũng đủ đậu ĐH. Xét đến cùng học là để có kiến thức phát triển nghề nghiệp sau này, học giỏi là tố chất của trẻ, ko ai giống ai. Có trẻ giỏi Toán, văn, có trẻ giỏi ngoại ngữ, thể thao, âm nhạc, mỹ thuật. Ko thể mang chúng ra so với nhau, kiểu giỏi thể dục là do đầu óc ngu si, hay thích âm nhạc là xướng ca vô loại. Suy nghĩ đó xưa rồi. Nên phát triển theo thiên hướng của trẻ để chúng ko phải gồng mình trong những thứ ko phải sở trường của chúng. Ai cũng làm thầy thì ai làm thợ đây.

Bản thân tôi, tự thừa nhận, các năm học trừ tiểu học là bình thường, không đặc biệt, ít nói thậm chí rất ít. Đậu đại học cũng chỉ suýt soát đủ đậu, ko hơn. Nhưng những năm tháng học đại học đều có “số má”, thầy cô nhớ tên, bạn bè nhớ mặt, xếp hạng vẻ vang. Rồi sao? Ra trường đi làm cũng chật vật tự khẳng định mình, cầm tấm bằng đi nộp xin việc cũng chẳng ngán ai nhưng bước ra cuộc đời mới hiểu bằng cấp đẹp chỉ mang lại cái danh thôi chứ không cho mình nhiều hơn thế. 40t đậu thạc sỹ. Cả quá trình học cũng đứng thứ hai thứ ba lớp, cô thầy nào cũng nhớ mặt, học tiếng Anh không giỏi nhưng các thầy cô trong khoa Văn hoá Quốc tế của trường nhớ mặt chỉ vì nể thái độ học. Học trầy trật ra cũng không đọ được mấy người bỏ tiền mua bằng chỉ trong một cái nháy mắt. Bảo sao XH giờ bảo thạc sỹ như lợn con (câu cửa miệng của nhiều người khi nói về trình độ) cũng là vì nghĩa ấy. Vậy danh vị, bằng cấp, xếp loại để làm gì. Bằng ấy nỗ lực chạy đua cũng lăn lưng làm thuê cho nhà nước hoặc ông chủ nào đó thôi mà. Bỏ tiền ra làm chủ cũng có đơn giản đâu, thiên hạ cắm đầu học làm giàu không khó có ai nhận ra rằng muốn làm giàu thì về cơ bản nhà phải giàu từ thời ông cha ko. Còn lại cũng phải cày cuốc chán chê may ra mới được coi là có tý tiền. Vậy các anh chị em trả lời được câu hỏi trên chưa: Học sinh giỏi để làm gì?

Con cái có đến đâu hãy bằng lòng tới đó, chấp nhận từ những nỗ lực của chúng. Tôi từ nhỏ không giỏi văn nhưng giờ tôi viết tốt. Học giỏi trên trường lớp thì ai cũng mong muốn và sẵn sàng nỗi lực hết sức của mình. Nhưng khi đã nỗi lực rồi thì được tới đâu bằng lòng tới đó thôi. Đó là nỗ lực tích luỹ trải nghiệm, tích luỹ kiến thức cho chính bản thân mình ko vì bất cứ ảo vọng bằng cấp danh vị nào. Học cho chính mình là “bằng cấp” đáng giá nhất. Bệnh thành tích ăn sâu vào cách sống của con người Việt Nam bao đời rồi, khó bỏ lắm. Cái này nguồn cơn là sự khoe con quá mức của nhiều người, dẫn tới áp lực của những người xung quanh. Chặng đường phấn đấu của mỗi con người rất dài, không ai nắm tay từ tối tới sáng. Thước đo sự thành công liệu rằng có mãi là học sinh giỏi lúc đi học, chức cao vọng trọng lúc đi làm hay giàu có sang trọng hay không. Nhiều người bề ngoài thành đạt mà tâm địa khôn lường, giết chính đứa con của mình (vụ việc chấn động cuối năm 2021) khiến xã hội bàng hoàng. Nhưng có mấy ai nhận ra rằng cho đến giờ môn Giáo dục công dân cũng mãi chỉ là môn phụ, học thuộc lòng lý thuyết rồi quên lãng như chưa từng học.

CELINA KHÁNH AN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *