Trực giác chính là một công cụ tuyệt vời để chúng ta cảm nhận về ngôn ngữ không lời. Thực ra không hề khó để nhận ra biểu hiện cảm xúc của người đối diện nếu chúng ta chịu khó quan sát. Những biểu hiện như tức giận, sợ hãi, ngạc nhiên, vui, buồn… rất khó để che dấu, nó luôn hiện lên nét mặt của người khác rất rõ. Có một số loại cảm xúc khác khó nhận ra hơn mà lúc này bạn phải sử dụng tới linh cảm/trực giác của mình.
Dĩ nhiên nếu không biết bạn có thể hỏi trực tiếp người đó, nhưng bạn biết đấy không dễ để hỏi về cảm xúc của người khác và càng không dễ để họ nói thật về cảm xúc của họ tại thời điểm được hỏi. Qua giao tiếp không lời chúng ta có thể nhận ra những dấu hiệu cảm xúc của người khác. Giáo sư Albert Mehrabian cho biết sự giao tiếp được tạo nên từ 7% nội dung lời nói, 38% giọng điệu và 55% ngôn ngữ cơ thể. Điều này có nghĩa là 93% những gì một người thực sự cảm thấy không thông qua lời nói mà là những biểu hiện trên khuôn mặt, dáng điệu, cử chỉ.
Để làm sao có thể phát triển được loại trực giác này, bạn hãy rèn luyện theo các cách sau:
- Bạn hãy tắt tiếng TV khi xem một bộ phim hay một vở kịch, sau đó hãy theo dõi các biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt của diễn viên cũng như những cử chỉ của họ. Bạn thử xem họ đang như thế nào, cử chỉ nào cho bạn thấy những dự đoán của bạn về cảm xúc của người đó.
- Bạn cần tìm một tập hợp những biểu cảm không lời vì một cử chỉ đơn lẻ chưa đủ để nói lên điều gì.
- Bạn cần để ý tới tình huống, ngữ cảnh mà người đó đang rơi vào.
- Nghe giọng nói của người đó để biết họ thực sự đang như thế nào.
- Để ý đến những thay đổi, diễn biến cảm xúc của họ.
- Tập quan sát biểu hiện của mọi người tại nơi công cộng như quán bar, nhà hàng, tiệm cafe… Đó là nơi giúp bạn thực hành rất tốt sự quan sát những biểu hiện không lời.
Tôi đã thực hành khá nhiều và sự thật là tôi khá nhạy cảm với ngôn ngữ không lời xung quanh mình. Tôi tự tin về khả năng quan sát của mình. Bạn hãy thực hành và có thể trao đổi thêm với tôi nhé. Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ.
CELINA KHÁNH AN