TẾT THUỞ HÀN VI
TẾT THUỞ HÀN VI

Bạn tôi cứ hỏi: em biết nhớ từ bao giờ mà có thể viết ra vậy, tôi cười bảo từ khi mọi thứ đi qua trước mắt và thu vào trong bộ não thế là nhớ. Có điều bao nhiêu năm rồi không chịu ngồi viết lại, nên mọi thứ trong não bắt đầu rơi bớt ra để nhường chỗ cho những thứ hiện tại. Tết ngày nhỏ có trăm điều thú vị, kể ra chẳng bao giờ hết. Thời đó cả xã hội nghèo vật chất nên thấy cái gì cũng quý và thèm. Tết nhà nào cũng gói bánh chưng, rậm rịch ngâm gạo từ sớm. Tụi nhỏ chúng tôi đã khấp khởi từ lúc này, ra hỏi vào hỏi xem bao giờ thì gói vì khoái xem gói lắm. Nhà tôi ai cũng nói ông nội gói đẹp mà tôi nhớ là tôi được xem có một lần tôi. Cũng nghí ngoáy thử mà nó chả thành cái hình gì cả. Rồi cái ngày gói bánh chưng và xếp chúng vào cái thùng phuy to cũng đến. Bố nhóm cái bếp than đá rõ bự để luộc. Cái thùng phuy bự xếp cũng cỡ 20 cái chứ đùa. Tôi nhớ xếp bánh luộc từ 7h tối hôm này thì 7h tối hôm sau mới dỡ. Đứa nào cũng tranh phần trông bánh để nghịch. Càng về đêm càng lạnh mà mặt đứa nào cũng hồng hào, mắt lấp lánh ánh những tia lửa than đá nổ lách tách vui tai. Tết đơn giản có thế.

Đên lúc dỡ bánh ra cũng thích, bố và chú bạn bố phải vớt ra và ép cho bánh chắc lại bằng cách xếp bánh lên cái bể xi măng rồi lấy nắp bể chèn lên càng lâu càng tốt. Thế là mẻ bánh chưng Tết đã xong. Tết thì nhà nào cũng có hộp mứt, bánh pháo Bình Đà, kẹo cafe cứng như đá, hạt bí hạt dưa. Cảm giác thú vị nhất là trước Tết mẹ chở “lương thực” về chất đầy ngăn đá tủ lạnh. Trước Tết năm nao cơ quan mẹ cũng mổ lợn, thế nên cứ Tết là thịt ăn xả láng. Thích cái cảm giác đủ đầy thế thôi chứ chả ăn được mấy. Cái tủ gỗ cũ kỹ được phen đầy bánh kẹo, mứt và pháo. Mứt thì có gì đâu thế vẫn thích đc ngồi mổ phanh hộp mứt ra để chén mứt dừa và mứt trứng chim. Mà khổ, cái gì mình thích thì ít mà ko thích thì đầy. Ăn xong mấy món thích là bỏ lại toàn mứt cà rốt, bí, cà chua…. kẹo cafe thì tuổi thơ đứa nào cũng thích dù nó cứng như đá. Bao giấy kẹo màu vàng nâu, xong đến lớp nilon làm bằng bột gạo, cho vào miệng là tan rồi mới đến kẹo. Thế mà kiên trì lột từng lớp. Thú vị đáo để.

Tuổi thơ gắn liền với pháo Bình Đà. Chỉ chờ mẹ về là xin bánh pháo tép. Mẹ bảo ừ mà phải giao thừa đã. Tôi thì nhát, chỉ xem tụi nó đốt pháo chứ nào dám đốt. Thấy tụi nó để quả pháo ở khe tường, lấy que nhang cháy châm ngòi, nghe xèo xèo là đã núp và bịt tai. Sợ nhưng mà vui. Đêm giao thừa, bố treo sẵn bánh pháo đùng, to ghê ý rồi bố đi hái lộc xuân mới về nhà đốt pháo. Tiếng pháo nổ và mùi khói thuốc pháo xông lên nhà báo hiệu Tết về. Trong lòng sướng lắm. Sáng ra mặc quần áo về ông bà nội ra sân xem xác pháo hồng thấy lòng vui ấm áp, lượn bốn góc kiếm xem còn viên pháo nào chưa nổ rớt ra ngoài. Xác pháo hồng khắp ngõ xóm, trên từng con phố dường như đã trở thành kỷ niệm khó quên của thế hệ 7x chúng tôi. Cho đến năm 1992 thì pháo chính thức bị cấm đốt. Phải đến một vài năm chúng tôi mới quen dần với cảm giác thiếu vắng ấy dù biết rằng cấm cũng là nên do năm nào cũng có tai nạn về thuốc pháo.

Cuộc sống đã đổi thay rất nhiều, ở cái tuổi tròn trịa 40 có lúc tôi vẫn nhớ quay quắt những năm tháng ấy. Giá trị của Tết đã xoay vần theo thời gian, đôi ba nét vẫn còn giữ lại, một số thứ thì biến tướng như tục mừng tuổi. Mừng tuổi là cái để mang lại lời chúc đầu năm may mắn chứ không phải thước đo giá trị vật chất. Cái gì rồi cũng bị thời gian cuốn đi, nếu cố gắng cũng giữ lại được ít nhiều.

Tết 2018

CELINA KHÁNH AN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *