Tha thứ là một quá trình chuyển đổi cảm xúc, suy nghĩ và hành động chứ không phải là một công tắc mà bạn có thế nhấn ON hay OFF và ngay lập tức nó xảy ra. Để làm được bạn cần thời gian để nhìn lại bản thân mình. Bạn thường không tha thứ trong trường hợp nào, điều gì khiến bạn như vậy? Bạn hãy nhớ lại những tình huống trong quá khứ, có những vấn đề rất nhỏ như việc con bạn làm rớt đồ ăn xuống thảm, hay con mèo nghịch vỡ bình hoa; thậm chí có những vấn đề nghiêm trọng hơn như có người làm bạn thất vọng, bạn bị sa thải vì những bất công trong công ty, có người chơi xấu bạn…..? Câu hỏi đặt ra là liệu rằng bạn có dễ dàng tha thứ hay lãng quên không? Bạn sẽ có lúc tự hỏi lòng mình rằng mình tha thứ để làm gì? Tại sao phải tha thứ? Và làm sao để tha thứ?
Trí tuệ cảm xúc sẽ trả lời cho bạn những câu hỏi ấy. Thực ra tha thứ là việc dành cho bạn chứ không phải cho người kia. Bạn cần phải thấu hiểu mình, bỏ qua cảm giác oán trách, thất vọng, giận dữ trước hành động của họ. Tha thứ không có nghĩa là đầu hàng, xem nhẹ mọi thứ hay lãng quên. Người đó vẫn phải chịu trách nhiệm với những gì họ làm và bạn cũng cần nói ra điều bạn đang cảm thấy với họ. Việc bạn lờ đi hay lãng quên không phải là tốt cho mình cũng như người đó. Bạn cũng đừng thắc mắc những việc người đó làm. Để vượt qua mọi chuyện bạn không cần thiết phải biết lý do tại sao điều đó xảy ra với bạn.
Bạn có thể viết ra những điều bạn nghĩ gửi cho người đó, hoặc không gửi. Tuỳ bạn. Nhưng việc viết ra sẽ khiến bạn có những giây phút tĩnh tâm để nhìn nhận lại sự việc. Và nó cũng như sự giải toả cảm xúc của mình mà không gây tổn thương tới ai. Điều bạn muốn lúc này là gì? Là chỉ muốn mình thông suốt hay bạn muốn người kia biết và xin lỗi bạn. Tất nhiên bạn sẽ dễ tha thứ hơn nếu đối phương nhận ra lỗi sai và muốn sửa sai. Thế thì thật tuyệt. Nhưng bạn cũng cần biết một thực tế khác không như bạn mong muốn đó là đối phương không chấp nhận việc mình làm là sai. Vậy thì lúc này bạn cần phải nghĩ rằng việc tha thư là việc của mình, và mình tha thứ thì mình sẽ sống thoải mái hơn.
Hãy tích cực, hướng tâm trí vào mặt tích cực của sự việc để chấm dứt luồng suy nghĩ giận hờn, đau khổ hay oán trách. Hãy tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống những điều khiến bạn hạnh phúc và những người mang lại niềm vui cho bạn.
Tha thứ hoàn toàn không phải là một việc làm dễ, cho dù vậy hãy luyện tập mỗi ngày. Chỉ khi bạn biết tha thứ bạn mới nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình. Đó là mục đích của Trí tuệ cảm xúc.
CELINA KHÁNH AN