Khen chê thực ra là phản ứng xuất phát từ sự thấu hiểu nghĩa là bạn đã quên bỏ đi góc nhìn của mình khi thực hiện hành động đánh giá. Tất nhiên tôi thừa nhận nhiều người đưa ra ý kiến là để người khác tốt hơn lên. Thế nên sẵn sàng góp ý thẳng thừng mà không quan tâm cảm xúc của người đối diện. Bạn quen quy tắc trong giao tiếp đó là phải biết lựa người lựa tình huống, lựa vấn đề vì nếu không lời bạn nói sẽ làm tổn thương người khác.
Trước tiên nói về Khen, quy tắc bạn cần nhớ là “Khen trước nhiều người” và Khen thật lòng, vì mọi sự giả dối không dễ để che dấu, cùng lắm bạn chỉ làm được lần đầu và từ lần sau lời Khen của bạn khiến người khác đề phòng và hoài nghi. Khen tạo ra động lực và cảm xúc tích cực cho người đối diện nên lời khen luôn cần được duy trì trong các tình huống giao tiếp. Tôi sẽ có một bài chia sẻ cụ thể cách Khen trong giao tiếp ở bài sau.
Chê là một hành động ngược với Khen cả về cách thức lần hiệu quả. Chê không hề dễ và nguyên tắc của Chê là: “Chê với riêng người đó” nhưng kể khi bạn tuân theo nguyên tắc góp ý riêng này thì hiệu quả cũng không hề được như bạn mong đợi. Trong giao tiếp, chê là thứ hạn chế sử dụng nhất trừ khi người đó đề nghị bạn góp ý. Lời đề nghị này sẽ chỉ có khi người đó tin tưởng bạn, coi bạn là chuyên gia ở lĩnh vực mà họ xin ý kiến. Trong trường hợp này lời góp ý hay lời chê mới có hiệu quả. Có điều bạn vẫn phải lựa lời để góp ý nha vì nếu không lại phản tác dụng.
Kiểu chê gây hậu quả “nghiêm trọng” nhất, đi ngược quy tắc giao tiếp đó là chê bất chấp có được người kia cho phép hay không. Người chê cho mình cái quyền của một chuyên gia để đưa ra lời nhận xét. Trong tình huống này người đưa ra lời chê đã quên mất rằng mình đang đặt góc nhìn của mình vào góc nhìn của người khác hay nói một cách cụ thể hơn đó chính là sự phán xét. Để thấu hiểu được người khác bạn cần bỏ đi góc nhìn của mình và nhìn nhận vấn đề ở vai trò của người kia. Ví dụ dưới con mắt của bạn tấm hình của người đó không đẹp. Nếu bạn không thấu hiểu bạn sẽ nghĩ: hình xấu quá, tại sao không chụp thế này, tại sao không mặc bộ quần áo kia, tại sao không tạo dáng thế ấy……khi nghĩ xong bạn hành đông: gọi, nhắn người kia góp ý. Kết thúc lời góp ý sẽ là: vì tôi quá rành nên tôi góp ý vậy, nghe hay không tuỳ bạn.
Nếu bạn thấu hiểu bạn sẽ nghĩ: ồ với khả năng của người đó thì hình chụp đẹp, họ không phải người mẫu nên được như vậy là quá ổn rồi…. Bạn nghĩ xong bạn sẽ nhắn và khen: hình đẹp đấy. Hoặc nếu không muốn khen bạn im lặng. Bạn có quyền lựa chọn hành động của mình thì họ cũng vậy. Bởi thế sự thấu hiểu sẽ luôn khiến cuộc sống trở nên dễ chịu hơn. Mỗi người trước khi hành động hãy im lặng suy nghĩ, đặt mình vào vì trí người khác, như vậy sẽ không có bất cứ hậu quả đáng tiếc nào.
Cuối cùng thì theo tôi chúng ta bớt chê đi, nếu có không hài lòng thì cũng nói chuyện với một người rất thân, kể một câu chuyện chung chung với một chủ thể vu vơ nào đó (anh A, chị B, cô C) để mang tính giải toả và tìm kiếm câu trả lời cho mình. Rồi bỏ qua nha bạn. Hãy nhớ, chỉ góp ý khi được yêu cầu. Đẹp xấu, đúng sai người ta tự làm tự chịu, khi họ chưa hỏi bạn nghĩa là họ thấy ổn với lựa chọn của mình. Ai cũng có là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, nên nếu bạn chê người ta ở việc này thì người ta cũng chê bạn ở việc khác.
CELINA KHÁNH AN